Quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Chia tài sản chung của vợ chồng
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
– Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.
– Về quyền chiếm hữu, sử dụng thì vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng theo quy định.
Như vậy, về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cặp vợ chồng muốn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bởi vợ chồng có mâu thuẫn trong quản lý, sử dụng tài sản chung hoặc bởi vợ chồng mâu thuẫn về tình cảm, song họ không muốn ly hôn nhưng muốn độc lập về tài sản… vì vậy tại Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”.
– Theo hướng dẫn tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi thành Luật HN&GĐ năm 2000 thì việc thoả thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân phải được lập thành văn bản và ghi rõ các nội dung sau đây:
+ Lý do chia tài sản;
+ Phần tài sản chia (bao gồm bất động sản, động sản, các quyền tài sản); trong đó cần mô tả rõ những tài sản được chia hoặc giá trị phần tài sản được chia;
+ Phần tài sản còn lại không chia, nếu có;
+ Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung;
+ Các nội dung khác, nếu có.
– Văn bản thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập văn bản và phải có chữ ký của cả vợ và chồng; văn bản thoả thuận có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về việc chia tài sản chung, thì cả hai bên hoặc một bên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
– Về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung:
+ Trong trường hợp văn bản thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng không xác định rõ thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản, thì hiệu lực được tính từ ngày, tháng, năm lập văn bản.
+ Trong trường hợp văn bản thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng, thì hiệu lực được tính từ ngày xác định trong văn bản thoả thuận; nếu văn bản không xác định ngày có hiệu lực đó, thì hiệu lực được tính từ ngày văn bản đó được công chứng, chứng thực.
+ Trong trường hợp văn bản thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, thì hiệu lực được tính từ ngày văn bản đó được công chứng, chứng thực.
+ Trong trường hợp Toà án cho chia tài sản chung theo quy định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực kể từ ngày quyết định cho chia tài sản chung của Toà án có hiệu lực pháp luật.
– Hậu quả chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân: Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thì thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản chung còn lại vẫn thuộc sở hữu chung của vợ, chồng. Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác.
Như vậy để đầu tư kinh doanh riêng, giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản chung, lập văn bản có chứng thực. Nếu không thỏa thuận được thì một bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
CV Nguyễn Yến – Công ty Luật Minh Gia
Nếu có vướng mắc cần tư vấn, hãy liên hệ qua Hotline: 1900.6169 để Luật Minh Gia hỗ trợ bạn.
tài sản chung tài sản riêng chia tài sản khi ly hôn
điên hoa 24gio , hoa tươi đẹp không tưởng, hoa tươi